Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

nga có chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính síp

Nga có chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính Síp?

(VOV) - Hiện tại, các doanh nghiệp Nga đang gửi gần 30 tỷ USD tại các ngân hàng Síp.

Tình hình Tài chính của Cộng hòa Síp đã lắng dịu hơn khi các giải pháp cho cuộc khủng hoảng này đã được đưa ra. Tuy vậy, các doanh nghiệp Nga và những người Nga gửi tiền ở ngân hàng Síp vẫn còn nhiều lo lắng.

Khủng hoảng tài chính Síp ảnh hưởng trực tiếp tới một số nước trên thế giới trong đó có Nga (Ảnh AFP)

Hiện nay, tại Síp có rất nhiều những công ty lớn, nhỏ của Nga đang đầu tư, làm ăn lớn tại Síp và có mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống ngân hàng Síp.

Theo thống kê của Tổ chức Xếp hạng Tín dụng Moody's, các doanh nghiệp Nga hiện đang gửi gần 30 tỷ USD trong tổng 68 tỷ USD tiền gửi tại các ngân hàng Síp. Với số tiền gửi lớn như vậy, những doanh nghiệp Nga không thể không lo lắng  nếu những bất ổn trong hệ thống ngân hàng Síp xảy ra.

Trong khi đó, khi cuộc khủng hoảng tài chính tại Síp lên tới đỉnh điểm và đe dọa làm sụp đổ hệ thống tài chính của nước này thì nước Nga không có những hành động cứu trợ nào. Ngay cả khi Síp và các tổ chức Tài chính Châu Âu đã đạt được những thỏa thuận vào phút chót để "cứu vãn sự sụp đổ" của các Ngân hàng Síp thì Nga vẫn giữ thái độ không "mặn mà". Và khi Bộ trưởng Tài chính Síp đến Nga mong muốn sự hỗ trợ từ Nga, nhưng Nga vẫn có thái độ "đứng ngoài cuộc."

Sở dĩ Nga có thái độ "đứng ngoài cuộc" là bởi trước hết, Nga vẫn coi việc giải quyết khủng hoảng nợ công của Châu Âu là việc của Liên minh châu Âu (EU). Một mặt việc các Công ty và người Nga có nhiều khoản tiền gửi ở Ngân hàng Síp thì đó cũng không hoàn toàn là của Nhà nước Nga. Do đó, Chính phủ Nga sẽ không đặt ra trách nhiệm phải tham gia giải quyết.

Mới đây, Phó Thủ tướng thứ nhất  Liên Bang Nga, Igor Shuvalov đã tuyên bố rằng: "Liên quan đến tiền của người Nga ở đó thì có các loại khác nhau: có loại không đóng thuế, có loại đã đóng thuế... Nếu ai đó bị mất tiền ở các Ngân hàng lớn của Síp thì đó là điều rất đáng tiếc, nhưng Chính phủ Nga sẽ không có động thái trong trường hợp này".

Và một thông điệp mà Nga muốn đưa ra trong tình hình này là các ngân hàng Nga đủ độ tin cậy để giữ các khoản vốn và Phó Thủ tướng Shuvalov tin tưởng rằng, nước Nga đang nắm giữ một trong những hệ thống ngân hàng tin cậy nhất.

Tuy nhiên, Nga cũng không hẳn là đứng ngoài cuộc nếu đề nghị của Tổng thống Putin lên Chính phủ được chấp nhận trong việc tạo điều kiện cho Sip đáo hạn khoản nợ 2,5 tỷ euro được thực hiện.

Cũng cần phải nhắc lại bản chất của thoả thuận mà Síp đạt được với ba chủ nợ lớn nhất là Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Theo đó tất cả các khoản tiền gửi dưới 100.000 euro trong các ngân hàng ở Síp thì không bị ảnh hưởng. Nhưng với những người gửi số tiền trên 100.000 euro thì thiệt hại sẽ có thể lên tới 60% khi họ phải chuyển tới gần 40% tài khoản thành những cổ phiếu không kỳ hạn và hơn 20% thì không được tính lãi. 40% tài khoản được tính lãi thì có muốn rút ra cũng phải vài năm.

Tổng thống Síp Anastasiadis đã gọi thỏa thuận này là một kết cục "tuy đau đớn, nhưng là tốt nhất trong tình huống hiện nay". Như vậy, một số lượng vốn tương đối lớn của những nhà đầu tư Nga gửi tiền ở Síp sẽ bị thiệt hại.

Khi Nicosia đạt được thỏa thuận với các chủ nợ Châu Âu về gói cứu trợ mà phần thiệt thòi thuộc về những người gửi nhiều tiền thì phản ứng của Moscow cũng khá gay gắt. Cả Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng như người đứng đầu tổ chức tín dụng lớn nhất của Nga là "Sberbank", German Gref, đều bày tỏ về sự đổ vỡ lòng tin đối với cơ cấu tài chính Síp bằng lời cảnh báo rằng: "Những người gửi tiền không còn tin tưởng vào chính quyền và ngân hàng Síp nữa. Và rõ ràng là họ sẽ mất lượng lớn tiền dự trữ".

Cựu Giám đốc Ngân hàng Trung ương Nga Sergei Dubinin thì nhận định rằng: "Các ngân hàng hàng đầu bị phá sản. Sẽ xuất hiện các Ngân hàng nhỏ để phục vụ cho những khoản tiền nhỏ. Không có hứa hẹn bồi thường nào. Thiệt hại sẽ là khá đáng kể cho những ai có khoản tiền gửi lớn tại đây. Các Ngân hàng này vẫn có thể tiếp tục tồn tại, tuy nhiên chúng sẽ không bao giờ còn có được ý nghĩa quốc tế như trước nữa".

Tất nhiên, trong tình hình  hiện nay theo các nhà phân tích kinh tế thì cuộc khủng hoảng tài chính Síp cũng có thể đe dọa nền kinh tế Nga bằng những hậu quả của nó thì một cách "rót tiền" cho đảo quốc này như Nga đã làm trong năm 2011 không phải là giải pháp tốt.

Trong khi đó, phản ứng của các doanh nghiệp, các cá nhân Nga đang đầu tư vào Síp hoặc gửi tiền ở các ngân hàng Síp hiện nay chưa thực sự rõ ràng, nhưng đã có thông tin rằng họ đang dự định sẽ kiện lên tòa án những biện pháp mà Chính phủ Síp đưa ra bởi nó được coi như  hành vi "tước đoạt" của họ một phần lớn vốn gửi ở ngân hàng Síp.

Tuy nhiên, Chính phủ Síp được dành quyền phong tỏa dòng lưu thông tiền tự do ở bên trong đất nước và điều đó cũng là biện pháp cho phép để họ tránh bị rút lượng vốn từ các Ngân hàng một cách ồ ạt. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ là tạm thời và trong thời gian tới nó vẫn không được coi là giải pháp cứu vãn Síp khỏi tình trạng thất thoát tư bản từ dòng vốn chảy ra bên ngoài. Ở đây, niềm tin đã mất và không sớm thì muộn, không bằng cách này thì sẽ bằng cách khác, các nhà đầu tư sẽ vẫn rút tiền khỏi các ngân hàng Sip.

Và như thế, có thể nói, các doanh nghiệp, nhà đầu tư hay một số lượng khá lớn người Nga đang là những nạn nhân trực tiếp của cuộc khủng hoảng tài chính Síp. Song họ khó mà làm được như những người dân Síp kiểu "xuống đường biểu tình" hay chống đối các "giải pháp tình thế" hiện nay của chính quyền Sip. Điều mà họ có thể làm được bây giờ là tự rút ra bài học về cách đặt niềm tin vào "thiên đường tài chính" đảo Síp cho những phi vụ làm ăn tiếp theo.

Trong khi đó quan hệ song phương cấp Nhà nước, những diễn biến của tình hình chắc chắn sẽ có ảnh hưởng không nhỏ, trước hết là quan hệ thương mại, đầu tư có liên quan đến hệ thống ngân hàng Síp. Mối quan hệ này có được phục hồi hay không và phục hồi như thế nào phụ thuộc rất lớn vào việc hệ thống Ngân hàng Síp được cải thiện ra sao trong thời gian hậu khủng hoảng./.

Nguồn: vov.vn

căng thẳng liên triều, mỹ cam kết bảo vệ đồng minh

Căng thẳng liên Triều, Mỹ cam kết bảo vệ đồng minh

(VOV) - Nếu Triều Tiên tái khởi động tổ hợp hạt nhân, thì đây là hành động vi phạm yêu cầu của cộng đồng quốc tế.

    Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, ngày 2/4 cho biết, Mỹ sẽ bảo vệ chính mình và các đồng minh trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng trên bán đảo Triều Tiên.

    Ngoại trưởng Mỹ Kerry (phải) trong cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc Yun Byung-se (Ảnh AFP)


    Tuyên bố này đưa ra sau khi Triều Tiên thông báo sẽ nối lại hoạt động tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon, vốn đã bị đóng cửa từ năm 2007 theo một thỏa thuận 6 bên để đổi lấy viện trợ lương thực cho nước này.

    Phát biểu tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Hàn Quốc, Yun Byung-se đang ở thăm Mỹ, ông Kerry cho rằng, nếu Triều Tiên tái khởi động tổ hợp hạt nhân này sẽ vi phạm trực tiếp các yêu cầu của cộng đồng quốc tế. Đây là một hành động khiêu khích, đi trái với lộ trình các bên đã đưa ra trong những năm qua.

    Về phần mình, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se cho rằng, các cuộc đối thoại 6 bên vẫn là một lộ trình tối ưu giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Ông nhấn mạnh: "Các nước thành viên của nhóm đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đều tuyên bố rất rõ ràng rằng, mặc dù đây là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng các cuộc đối thoại 6 bên vẫn là một phương pháp hữu ích nhằm hướng tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Hàn Quốc tin rằng, với Trung Quốc và các thành viên còn lại của nhóm đàm phán 6 bên, chúng ta cần kiên nhẫn theo đuổi những nỗ lực này."

    Trong khi đó, Tổng thư kí Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, ngày 2/4 cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình trạng căng thẳng ngày càng leo thang trên bán đảo Triều Tiên, cho rằng tình hình tại đây có thể 'vượt ngoài tầm kiểm soát'. Ông Ban Ki-moon kêu gọi các bên kiềm chế và nhấn mạnh đàm phán và đối thoại là con đường duy nhất hiện nay mà các bên cần hướng tới./.

      Nguồn: vov.vn

      obama đề cử con gái kennedy làm đại sứ tại nhật bản

      Obama đề cử con gái Kennedy làm Đại sứ tại Nhật Bản

      (VOV) - Bà Caroline Kennedy được kỳ vọng sẽ góp phần gắn kết hơn nữa mối quan hệ truyền thống với đồng minh Nhật Bản.

        Trang tin Japan today ngày 3/4 cho biết, thông tin con gái cố Tổng thống Mỹ John F.Kennedy (1917-1963), bà Caroline Kennedy có thể được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Nhật Bản đã được dư luận Nhật Bản chào đón nhiệt tình.

        Bà Caroline Kennedy (Ảnh: AFP)

        Trước đó, ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Obama đã đề cử bà Caroline Kennedy vào vị trí Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản với kỳ vọng bà sẽ góp phần gắn kết hơn nữa mối quan hệ truyền thống lâu đời với đồng minh Nhật Bản. Tuy nhiên nếu được lựa chọn, bà sẽ phải đối mặt với những nhiệm vụ ngoại giao lớn, đó là sự đe dọa của quân đội Triều Tiên với Mỹ và đồng minh trong khu vực. Bà cũng sẽ phải đối phó với các vấn đề chính trị nhạy cảm khác như việc duy trì các căn cứ của Mỹ ở Okinawa và sự tham gia của Nhật Bản trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

        Một số nhà quan sát ngoại giao ở Washington cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nhiều khả năng bà Caroline Kennedy, với những kinh nghiệm về ngoại giao của mình, sẽ là lựa chọn phù hợp nhất. Ngoài ra, sự thân thiết, gần gũi của tân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry với Thượng nghị sĩ Edward Kennedy, chú ruột của Caroline Kennedy, cũng mang cho bà nhiều cơ hội hơn.

        Bà Caroline Kennedy, 55 tuổi, là người đầu tiên ủng hộ chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Obama năm 2008.

        AFP dẫn lời quan chức chính quyền Mỹ cho biết chính quyền nước này vẫn đang trong quá trình lựa chọn. Tuy nhiên, theo thông tin trên Washington Post và New York Times, nhiều khả năng bà Caroline sẽ được lựa chọn.

        Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 2/4, phát ngôn viên hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản, Yoshihide Suga cho biết, sẽ là một tin vui cho đất nước Nhật Bản nếu bà Caroline được bổ nhiệm. Ông này cho biết thêm: 'Cố Tổng thống Kennedy là một nhân vật quen thuộc với nhiều người Nhật Bản'.

        Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đều từ chối bình luận về thông tin trên, nhưng không phủ nhận hoàn toàn.

        Bà Caroline Kennedy là thành viên duy nhất còn sống trong gia đình bạc mệnh Kennedy. Trước đây, bà từng đánh tiếng muốn chạy đua giành chiếc ghế thượng nghị sĩ New York, khi bà Hillary Clinton trở thành Ngoại trưởng Mỹ vào năm 2009, nhưng rồi quyết định rút lui vì lý do cá nhân. Sau khi tốt nghiệp các đại học Harvard và Columbia, bà Kennedy làm việc tại các tổ chức phi lợi nhuận ở New York, trong đó có Thư viện John F.Kennedy.

        Nếu được đề cử và Thượng viện phê chuẩn, bà Caroline Kennedy sẽ thay thế John Roos trở thành Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản./.

          Nguồn: vov.vn

          nhật bản và ấn độ chuẩn bị họp thượng đỉnh

          Nhật Bản và Ấn Độ chuẩn bị họp thượng đỉnh

          (VOV) - Cuộc họp sẽ diễn ra vào cuối tháng 5 tới.

            Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đang chuẩn bị tiến hành Hội nghị Thượng đỉnh Nhật Bản-Ấn Độ hàng năm vào cuối tháng 5 tới.

            Thủ tướng Ấn Độ Singh trong một chuyến thăm Nhật Bản (Ảnh Reuters)


            Tháng 11/2012, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh dự kiến đi thăm Nhật Bản nhưng chuyến thăm phải hoãn lại do Hạ viện Nhật Bản giải tán để tổ chức cuộc tổng tuyển cử sớm.

            Theo các nhà ngoại giao Nhật Bản, 2 nhà lãnh đạo sẽ thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác an ninh, trong đó có tập trận chung giữa Lực lượng phòng vệ hàng hải của Nhật Bản và hải quân Ấn Độ.

            Thủ tướng Abe đánh giá quan hệ Nhật Bản-Ấn Độ là một trong những mối quan hệ song phương triển vọng vì nền kinh tế Ấn Độ tăng trưởng nhanh với lượng lượng lao động dồi dào.

            Dự kiến trong cuộc gặp thượng đỉnh lần này, Thủ tướng Nhật Bản sẽ cam kết tiếp tục hỗ trợ Ấn Độ phát triển cơ sở hạ tầng và đề nghị Chính phủ Ấn Độ thông qua dự án công nghệ tàu cao tốc của Nhật Bản cho tuyến xe lửa ở miền Tây Ấn Độ./.

              Nguồn: vov.vn

              ngân hàng thế giới muốn chấm dứt đói nghèo vào năm 2030

              Ngân hàng Thế giới muốn chấm dứt đói nghèo vào năm 2030

              (VOV) - Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cũng đề ra một mục tiêu tham vọng khác là tăng thu nhập của 40% dân số nghèo nhất tại mỗi nước

                Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim, ngày 2/4, tuyên bố mục tiêu chấm dứt "đói nghèo cùng cực" trên toàn thế giới từ nay đến năm 2030.

                Trong một phát biểu tại trường Đại học Georgetown, ông Jim Yong Kim nhấn mạnh: "Một thế giới không còn đói nghèo và khủng hoảng kinh tế hoàn toàn có thể đạt được. Tuy nhiên, để làm được điều này sẽ cần những nỗ lực phi thường."

                Đây được xem là kế hoạch "quy mô" đầu tiên của ông Jim Yong Kim kể từ khi nhậm chức Chủ tịch Ngân hàng Thế giới hồi tháng 7/2012.

                Hiện tại, WB đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng của các nền kinh tế mới nổi đang muốn thành lập một ngân hàng phát triển riêng. Cụ thể, với sự hỗ trợ của 180 quốc gia thành viên, ông Jim Yong Kim muốn giảm tỷ lệ những người sống dưới 1,24 đôla mỗi ngày từ 21% năm 2010 xuống còn 3% đến năm 2030.

                Trong phát biểu của mình, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cũng đề ra một mục tiêu tham vọng khác là tăng thu nhập của 40% dân số nghèo nhất tại mỗi nước. Để thực hiện thành công 2 mục tiêu này, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới không đưa ra các biện pháp đặc biệt nào song cho rằng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là một điều kiện không thể thiếu, đặc biệt là tại Nam Á và khu vực Châu Phi cận Sahara./.

                  Nguồn: vov.vn

                  tổng thư ký lhq: cuộc khủng hoảng triều tiên đã đi quá xa

                  Tổng thư ký LHQ: Cuộc khủng hoảng Triều Tiên đã đi quá xa

                  (VOV) -Ông Ban Ki-moon cho rằng, bất kỳ hành động khiêu khích nào có thể dẫn đến đụng độ quân sự trực tiếp.

                    Ngày 2/4, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cho biết, cuộc khủng hoảng Triều Tiên đã đi quá xa và kêu gọi đối thoại và đàm phán để giải quyết tình hình.

                    'Mối đe dọa hạt nhân không phải là một trò chơi', ông Ban Ki-moon cho biết tại một cuộc họp báo ở Andorra, nơi ông đang có chuyến thăm chính thức.

                    Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon phát biểu tại cuộc họp báo ở Andorra (Ảnh: Reuters)


                    Mỹ đã củng cố lực lượng của mình trong khu vực sau một loạt các mối đe dọa của Bình Nhưỡng tấn công căn cứ Mỹ ở Thái Bình Dương và Hàn Quốc.

                    'Mọi thứ phải bình tĩnh, tình hình có thể trầm trọng hơn bởi sự thiếu liên lạc và dẫn đến một con đường mà không ai muốn đi theo', ông Ban Ki-moon nói.

                    'Tôi tin rằng không ai có ý định tấn công Triều Tiên vì những bất đồng về chính trị hoặc chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, tôi sợ rằng, bất kỳ hành động khiêu khích nào có thể dẫn đến đụng độ quân sự trực tiếp', ông Ban Ki-moon cho biết.

                    Tổng thư ký Ban Ki-moon cũng kêu gọi CHDCND Triều Tiên tuân thủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

                    Trước đó, ngày 2/4, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn nguồn tin từ phát ngôn viên của Cơ quan năng lượng nguyên tử của nước này cho biết, Triều Tiên sẽ khởi động đại các cơ sở hạt nhân tại tổ hợp Yongbyon vốn bị đóng cửa sau thỏa thuận tại đàm phán sáu bên năm 2007.

                    Động thái này được chính Triều Tiên thừa nhận sẽ giúp Triều Tiên tăng cường năng lực hạt nhân cả về chất và lượng. 

                    Lò phản ứng ở Yongbyon được biết đến là nguồn cung cấp plutonium cho chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, đã bị đóng cửa trong tháng 7/2007 như là một phần của thỏa thuận về giải trừ quân bị. Tháp làm lạnh tại cơ sở này sau đó đã bị phá hủy, nhưng sau đó thỏa thuận giải trừ vũ khí bị đình trệ.

                    Ngay sau khi Triều Tiên công bố sẽ khởi động lại các cơ sở tại khu tổ hợp hạt nhân Yongbyon, cả Hàn Quốc và Trung Quốc đều lên tiếng bày tỏ sự lấy làm tiếc về động thái này của Triều Tiên./.

                      Nguồn: vov.vn

                      cúm gia cầm h7n9 lan rộng tại trung quốc

                      Cúm gia cầm H7N9 lan rộng tại Trung Quốc

                      (VOV) - Đã có thêm 7 người nhiễm virus H7N9.

                        Trung Quốc đang đối mặt với nạn cúm gia cầm H7N9 khi Chính phủ Trung Quốc ngày 2/4 đã xác nhận Trung Quốc đã có thêm 7 người nhiễm H7N9. Theo đó, Chính phủ Trung Quốc đã nâng cấp cảnh báo tình trạng nhiễm virus H7N9 đang lan rộng .

                        Trước đây H7N9 không lây sang người (Ảnh Reuters)


                        Virus H7N9 khởi phát từ Thượng Hải sau khi có hai người đàn ông bị chết vì bệnh cúm, và sau đó Y tế Trung Quốc xác nhận là hai người đàn ông này đã chết bởi nhiễm virus  H7N9.

                        Hiện tại bệnh cúm gia cầm H7N9 đã lan sang một số địa phương khác của Trung Quốc. Do đó, Bộ Y Tế Trung Quốc cảnh báo tới người dân Trung Quốc tăng cường các biện pháp phòng chống virus này, và đề nghị Chính phủ cùng với Bộ Y tế nhanh chóng có những loại thuốc thích hợp để chữa trị cho người dân trong trường hợp bệnh bùng phát ở mức độ rộng.

                         Một người dân Thượng Hải bày tỏ: "Tuy Trung Quốc đã sớm tìm ra nguyên nhân của việc lây nhiễm cúm H7N9, song chúng tôi vẫn vô cùng lo lắng. Có thể mới đầu bệnh chỉ lây nhiễm ở khu vực của chúng tôi, nhưng tương lai sẽ lây ra cả các khu vực khác."

                         Theo các chuyên gia y tế của Hongkong thì loại virus H7N9 là loại virus hiếm gặp, có thế nó đã bị biến đổi gen trước khi lây từ lợn sang người. Trong quá trình biến đổi gen, loại virus này đã tăng độc lực, tăng độ nguy hiểm dẫn đến làm chết người.

                        Ông Michael O'Leary, Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Trung Quốc Michael O'Leary cho biết các chuyên gia virus học của WHO đang xem xét mọi cơ chế lây lan của virus H7N9./.

                          Nguồn: vov.vn

                          quốc tế lo ngại về tuyên bố của triều tiên

                          Quốc tế lo ngại về tuyên bố của Triều Tiên

                          (VOV) - Cộng đồng quốc tế tiếp tục bày tỏ lo ngại trước tuyên bố của Triều Tiên về tái khởi động lò phản ứng hạt nhân Yonbyon.

                            Cộng đồng quốc tế tiếp tục bày tỏ lo ngại trước tuyên bố của Triều Tiên đưa ra ngày 2/4 về tái khởi động lò phản ứng hạt nhân Yonbyon, bao gồm một nhà máy làm giàu uranium. Phía Triều Tiên cho rằng, việc tái khởi động lò phản ứng hạt nhân là phù hợp với chính sách 'tăng cường lực lượng vũ trang hạt nhân cả về chất và lượng', đồng thời giúp giải quyết triệt để tình trạng thiếu điện.

                            Tổ hợp Yongbyon (Ảnh Washington post)

                            Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình trạng căng thẳng ngày càng leo thang trên bán đảo Triều Tiên.Ông cho rằng tình hình tại đây có thể 'vượt ngoài tầm kiểm soát'.

                            Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh rằng: "Tôi lo ngại sâu sắc và với tư cách là Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, nhiệm vụ của tôi là ngăn chặn chiến tranh và theo đuổi hòa bình. Tôi nhấn mạnh rằng căng thẳng hiện nay đã đi quá xa. Đe dọa hạt nhân không phải là một trò chơi. Những hành động gây hấn và phô trương quân sự chỉ dẫn tới những hành động đáp trả, thổi bùng lên sự sợ hãi và bất ổn".

                            Trong tuyên bố tiếp theo gửi tới Triều Tiên, Tổng thư ký Ban Ki-moon kêu gọi Bình Nhưỡng tránh 'đối đầu với cộng đồng quốc tế' sau khi khẳng định 'không nước nào có ý định tấn công Triều Tiên vì những bất đồng về hệ thống chính trị hay chính sách ngoại giao'. Tổng thư ký Ban Ki-moon cam kết sẵn sàng hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn tình hình tiếp tục xấu đi.

                            Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều đã lập tức bày tỏ 'lấy làm tiếc' về tuyên bố này của Bình Nhưỡng, cho rằng hành động này (nếu xảy ra) sẽ vi phạm các thỏa thuận đàm phán 6 bên cũng như các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh kiên định theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo này cũng như toàn bộ khu vực Đông Bắc Á.

                            Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Cho Tai-young bày tỏ 'thực sự lấy làm tiếc' trước quyết định tái khởi động tổ hợp hạt nhân Yongbyon của Bình Nhưỡng. Ông Cho Tai-young cũng cho biết Hàn Quốc sẽ theo dõi sát sao những diễn biến xung quanh vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời hối thúc Bình Nhưỡng 'tuân thủ đầy đủ các thỏa thuận đã đạt được trước đây nhằm duy trì tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên'.

                            Phát biểu với báo giới tại Tokyo, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, Yoshihide Suga cho rằng việc Triều Tiên khởi động lại các cơ sở hạt nhân là 'hành động khiêu khích vi phạm các thỏa thuận tại các cuộc đàm phán sáu bên cũng như các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc'.

                            Tuy nhiên, hãng tin CNN dẫn lời quan chức giấu tên Lầu Năm Góc cho biết hải quân Mỹ đang di chuyển một hệ thống radar X-band tới vùng biển gần Triều Tiên để giám sát các động thái quân sự của Bình Nhưỡng. Hệ thống radar này được đặt trên tàu nổi tự hành có hình dáng như một dàn khoan dầu trên biển. Trước đó, Washington cũng đã có một loạt động thái gây sức ép tương tự khi đưa máy bay ném bom chiến lược B-52 và máy bay chiến đấu tàng hình hiện đại nhất hiện nay F-22 tới các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn. Ngoài ra, Mỹ cũng điều hai máy bay ném bom tàng hình chiến lược B-2 tới Hàn Quốc tham gia sứ mệnh huấn luyện quân sự.

                            Trong một diễn biến mới nhất, nguồn tin ngoại giao Hàn Quốc cho biết hôm nay Triều Tiên đã không cho phép công dân Hàn Quốc vào khu công nghiệp Kaesong, sau khi đe dọa đóng cửa khu công nghiệp là biểu tượng duy nhất còn lại của sự hợp tác giữa hai miền Triều Tiên này.

                            Giới chức Hải quan và Xuất nhập cảnh Hàn Quốc tại thành phố biên giới Paju, cho biết cho đến 9 giờ sáng 3/4 (giờ Hàn Quốc), Triều Tiên vẫn không có hồi đáp về việc cho phép cho các nhân viên quản lý và vận chuyển Hàn Quốc ra vào khu công nghiệp. Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất ở đây vẫn diễn ra bình thường./.

                              Nguồn: vov.vn

                              căng thẳng giữa palestine-israel xung quanh chế độ tù nhân

                              Căng thẳng giữa Palestine-Israel xung quanh chế độ tù nhân

                              (VOV) - Hiện tại, phía Israel đang giam giữ khoảng 4.700 tù nhân Palestine.

                                Ngày 2/4, hàng trăm người dân Palestine  đã tổ chức biểu tình Bờ Tây, sau khi một tù nhân Palestine tử vong vì bệnh ung thư trong khi được điều trị bệnh tại Israel.

                                Người dân Palestine đốt cờ của Israel trong một cuộc biểu tình (Ảnh Reuter)


                                Xung đột đã nổ ra khi lực lượng an ninh của Israel phun hơi cay về phía những người biểu tình. Vụ việc đe dọa gây căng thẳng tại khu vực Israel chiếm đóng khi mà những người Palestine xem những người bị giam giữ như là những anh hùng trong cuộc chiến đòi lại đất đai, chủ quyền lãnh thổ.

                                Trong tuyên bố ngày 2/4, Tổng thống Palestine, Mahmoud Abbas cáo buộc nhà cầm quyền Israel phải chịu trách nhiệm về cái chết của tù nhân Maysara Abu Hamdeya. Ông chỉ trích: "Điều này cho thấy sự hà khắc của phía Israel và chế độ của nước này, đặc biệt trong việc đối đãi với tù nhân. Chúng tôi đã bày tỏ sự phản đối với phía Israel tới tất cả tổ chức quốc tế về hành động của Israel dẫn đến cái chết của tù nhân Abu Hamdeya ở trong nhà tù."

                                Phong trào Hamas tại Dải Gaza cho rằng, cái chết của tù nhân Hamdeya là một báo động nguy hiểm về cuộc sống của các tù nhân Palestine tại nhà tù của Israel. Ông Sami Abu Zuhri, Người phát ngôn của Phong trào Hamas nói: 'Phong trào Hamas đang theo dõi tình hình các tù nhân Palestine và lo lắng cho họ, đặc biệt là sau cái chết của tù nhân Hamdeya tại một trong các nhà tù của Israel. Điều này báo hiệu cuộc sống của các tù nhân Palestine tại nhà tù Israel đã bị đe dọa tới mức nguy hiểm. Sau sự việc này, phong trào Hamas đang thảo luận với các phe phái Palestinne để đối phó với tội ác này của Israel."

                                Bộ trưởng quản lý các vấn đề về tù nhân Palestine, ông Eissa Qaraqe, ngày 2/4, cho biết, Hamdeya 64 tuổi, bị mắc bệnh ung thư vòm họng, đã trải qua những ngày cuối cùng của mình tại Trung tâm y tế ở miền Nam Israel. Cái chết của Hamdeya đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình bùng phát tại Bờ Tây và những vụ xung đột với quân đội Israel.

                                Một vụ việc tương tự từng xảy ra sau khi tù nhân Arafat Jaradat, 30 tuổi, cũng đến từ Bờ Tây đã chết trong nhà tù Megiddo ở miền Bắc Israel ngày 23/2. Các quản giáo thông báo Jaradat chết vì bệnh tim. Tuy nhiên, các tù nhân Palestine  và gia đình nạn nhân đều cho rằng Jadarat chết do bị tra tấn trong lúc thẩm vấn.

                                Hiện tại, phía Israel đang giam giữ khoảng 4.700 tù nhân Palestine. Đa số những người này tham gia biểu tình, chống đối quân đội Israel. Phía Palestine xem họ là những người anh hùng trong cuộc đấu tranh chống lại sự xâm lược của Israel và mong muốn tất cả họ được thả ./.

                                  Nguồn: vov.vn

                                  triều tiên không cho công nhân hàn quốc vào kcn kaesong

                                  Triều Tiên không cho công nhân Hàn Quốc vào KCN Kaesong

                                  (VOV) - Đây là dấu hiệu mới nhất của cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. 

                                    Ngày 3/4, các quan chức Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã ngăn không cho các công nhân Hàn Quốc vào khu công nghiệp Kaesong trên biên giới nước này. Động thái này diễn ra một ngày sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ khởi động lại cơ sở hạt nhân Yongbyon vốn bị đóng cửa sau thỏa thuận tại đàm phán sáu bên năm 2007, cung cấp plutonium cho chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

                                    Xe tải chở nguyên liệu của Hàn Quốc phải quay lại vì không được nhập cảnh vào Kaesong (Ảnh: AP)


                                    Việc không cho phép công nhân Hàn Quốc đến làm việc tại khu công nghiệp Kaesong - biểu tượng cuối cùng của sự hợp tác giữa hai miền Nam - Bắc được đưa ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng liên tiếp có những lời lẽ cứng rắn, trong đó có việc đe dọa sẽ tấn công Hàn Quốc và Mỹ. Cuối tháng trước, Triều Tiên cũng đã tuyên bố hủy bỏ Hiệp định đình chiến với Hàn Quốc.

                                    Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Kim Hyung-suk cho biết, Bình Nhưỡng đã cho phép các công nhân Hàn Quốc tại khu công nghiệp Kaesong trở về nhà. Đã có 3 công nhân Hàn Quốc rời khỏi khu công nghiệp này sáng 3/4, hàng chục người khác dự kiến sẽ tiếp tục quay trở lại Hàn Quốc trong ngày hôm nay. Tuy nhiên, ông Kim Hyung-suk cho biết, khoảng 480 người Hàn Quốc có kế hoạch đến làm việc tại khu công nghiệp Kaesong đã bị từ chối cho phép nhập cảnh.

                                    "Chính quyền Triều Tiên đã trích dẫn hoàn cảnh chính trị gần đây trên bán đảo Triều Tiên để lý giải cho quyết định ngăn không cho công nhân Hàn Quốc vào khu công nghiệp Kaesong", ông Kim cho biết.

                                    Đây là dấu hiệu mới nhất của cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Trước đó hôm 2/4, CHDCND Triều Tiên tuyên bố sẽ nhanh chóng bắt đầu 'điều chỉnh, khởi động lại' các cơ sở tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon, bao gồm cả các lò phản ứng plutonium và một nhà máy làm giàu uranium. Cả hai có thể sản xuất nhiên liệu cho vũ khí hạt nhân. 

                                    Theo các nhà phân tích, tuyên bố khởi động lại tổ hợp hạt nhân Yongbyon là nỗ lực mới nhất của Bình Nhưỡng nhằm tìm kiếm sự nhượng bộ bằng cách làm gia tăng nỗi sợ hãi về một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Các chuyên gia ước tính, để kích hoạt lại lò phản ứng hạt nhân, Triều Tiên sẽ phải mất từ 3 tháng đến một năm.

                                    Khu công nghiệp Kaesong nhìn từ một tháp quan sát tại Paju, Hàn Quốc (Ảnh: AFP)


                                    Các nhà máy tại khu công nghiệp Kaesong bắt đầu sản xuất hàng hóa năm 2004 và đây là một điểm hợp tác hiếm hoi trong mối quan hệ vốn không mặn mà giữa hai miền Triều Tiên.

                                    Cả CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc đều không cho phép công dân của mình đến quốc gia kia khi chưa được phép. Tuy nhiên, có một ngoại lệ được áp dụng hàng ngày đối với các công nhân Hàn Quốc làm việc tại khu công nghiệp Kaesong.

                                    Khoảng 120 công ty Hàn Quốc đang vận hành các nhà máy ở thị trấn biên giới Kaesong, với  53.000 công nhân Triều Tiên làm việc ở đó. Năm 2012, khu công nghiệp Kaesong sản xuất ra 470 triệu USD hàng hóa.

                                    Tuần trước, Bình Nhưỡng đe dọa sẽ đóng cửa khu công nghiệp Kaesong nhằm bày tỏ thái độ sự tức giận khi các phương tiện truyền thông của Hàn Quốc cho rằng, sở dĩ Triều Tiên vẫn chưa đóng cửa khu công nghiệp này bởi nó là nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Triều Tiên.

                                    Năm 2009, Triều Tiên từng đóng cửa biên giới của mình để phản đối cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn, khiến hàng trăm công nhân Hàn Quốc đã mắc kẹt tại Kaesong trong vài ngày trước khi khu công nghiệp này trở lại hoạt động bình thường.

                                    Nếu Triều Tiên tiếp tục không cho phép công nhân Hàn Quốc vào Kaesong, các nhà máy tại đây có thể phải ngừng hoạt động vì không có nguồn cung cấp nguyên liệu thô được chuyên chở thường xuyên bằng xe tải từ Hàn Quốc đến đây./.

                                      Nguồn: vov.vn